0

Tích cực độc hại là gì? | Safe and Sound

Tích cực thái quá không chỉ mang tính chất độc hại bởi việc cố gắng tỏ ra lạc quan, vui vẻ trước những cảm xúc tồi tệ bên trong mà còn có thể gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Bác sĩ tâm lý cho biết, tích cực độc hại (Toxic Positivity) là trạng thái diễn tả sự tích cực một cách quá đà, có phần giả tạo để loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực đang ngự trị.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Định nghĩa tích cực độc hại

Theo bác sĩ tâm lý, tích cực độc hại chính là thái độ tích cực một cách quá mức với mục đích bài trừ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực. Đây chính là tình trạng một người tồn tại niềm tin về việc chúng ta chỉ cần giữ thái độ lạc quan, vui vẻ thì mọi khó khăn, thử thách sẽ được giải quyết triệt để.

Bác sĩ tâm lý nhấn mạnh, việc duy trì những suy nghĩ tích cực là điều cần thiết đối với cuộc sống. Sự tích cực giúp bạn có thêm sức mạnh, tạo dựng niềm tin vững chắc để duy trì một cuộc sống lành mạnh. Nó chính là động lực để mỗi chúng ta vượt qua được những trở ngại của cuộc sống.

Tuy nhiên, khi một người quá “tôn sùng” sự tích cực thì họ có thể vô tình đánh mất đi những cảm xúc chân thực của bản thân. Trong cuộc sống của chúng ta, luôn cần có những cảm xúc vui buồn, hạnh phúc, đau khổ, sợ hãi,... đan xen với nhau.

Ảnh 1: Tích cực độc hại là lối tư duy thiếu lành mạnh, triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực đang ngự trị

Vì thế, việc trở nên tích cực một cách thái quá sẽ khiến cho bạn phớt lờ đi chính cảm xúc của chính mình. Bác sĩ tâm lý nhấn mạnh, sự tích cực này còn có thể giết chết đi con người thật của bạn, nó bắt ép bạn phải cố gắng che giấu đi những sự tiêu cực của chính mình, tạo dựng nên một lớp vỏ bọc lạc quan cho bản thân.

Bác sĩ tâm lý cho biết dùng sự tích cực để “vô hiệu hóa” những cảm xúc tiêu cực là lối suy nghĩ độc hại. Kiểu suy nghĩ này sẽ khiến bạn không được sống với cảm xúc thật, nỗi buồn bên trong cứ lớn dần tạo thành sự u uất nặng nề. Cản trở quá trình “chữa lành” sau những tổn thương và giới hạn trải nghiệm của bạn đối với cuộc sống muôn màu.

2. Một số ví dụ về tích cực độc hại trong cuộc sống

Bác sĩ tâm lý khẳng định, tất cả chúng ta đều ít nhất một lần thực hành “sự tích cực độc hại” trong vô thức.

Hãy tưởng tượng ai đó chia sẻ với bạn những điều tồi tệ họ đã phải trải qua. Khi chứng kiến đối phương buồn bã, có phải bạn đã bất giác nói những câu an ủi như “Đừng buồn nữa, hãy lạc quan lên” hay “Tích cực lên nào! Chuyện đó có gì đáng để suy nghĩ đâu”.

Theo bác sĩ tâm lý, không thể phủ nhận rằng, đôi khi những lời nói này bắt nguồn từ chủ đích tốt. Bạn muốn truyền động lực để đối phương lấy lại cảm giác vui vẻ thay vì lo lắng và buồn bã. Tuy nhiên rõ ràng ở thời điểm này, đối phương không cần đến những câu ủi an sáo rỗng như thế.

Ảnh 2: Người nghe sẽ che giấu những cảm xúc tiêu cực của bản thân

Thay vì sống thật với cảm xúc của mình, họ quyết định che giấu những cảm xúc tiêu cực bên trong và chỉ thể hiện mặt vui vẻ, tích cực. Bác sĩ tâm lý cho biết, việc phớt lờ cảm xúc tiêu cực một cách cực đoan sẽ gây ra những hậu quả khó lường mà chính bạn cũng không ngờ đến. Sự tích cực độc hại sẽ làm giảm dần lòng tự trọng và xu hướng “chối bỏ” cảm xúc thật sự của bản thân.

Trong cuộc sống hiện tại, bác sĩ tâm lý khuyến cáo, sự tích cực độc hại đang dần len lỏi vào các khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được sự hiện diện của sự “độc hại” này. Kết quả là bản thân ngày càng trở nên trống rỗng, bên ngoài tuy vui vẻ, lạc quan nhưng không hề cảm nhận được bất cứ niềm vui nào.

: Tích cực độc hại là gì? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound